Tục thờ Linga – Yoni có nguồn gốc từ các tộc người ở lưu vực sông Ấn.
“Tín ngưỡng của họ gắn liền với thần thoại về thần Mẹ và sự thờ cúng âm lực, coi âm vật của đàn bà là nguốn gốc của mọi sự sáng tạo. Bên cạnh thần Mẹ còn có thần Nam,biểu hiện bằng phiến đá hình dương vật” (Theo Will Durant).
Theo Ấn Độ giáo thì thần Siva xuất hiện đầu tiên dưới hình một cột lửa hình dương vật. Sau này người ta đã biểu tượng hoá Linga và Yoni để thờ thần Siva, Siva được xem là thần lưỡng thể.
Tục thờ Linga – Yoni thể hiện tín ngưỡng phồn thực rất phổ biến của cư dân nông nghiệp nói chung và của người Chăm nói riêng. Linga là bộ sinh thực khí nam, biểu hiện của đặc tính dương; Yoni là bộ sinh thực khí nữ, biểu hiện âm tính của thần (Sakti).
Linga đặt trên bệ Yoni tượng trưng cho trời đất giao hòa, âm dương hòa hợp, biểu thị sự tái tạo muôn loài, sự bảo tồn nòi giống và vạn vật trong vũ trụ, là nguồn gốc mọi sự sinh sôi nảy nở của vạn vật.Dạng Linga kết hợp với Yoni được xem là biểu hiện cho sự sáng tạo của thần Siva.
Ý nghĩa biểu tưởng của Linga – Yoni: Tượng trưng cho ba vị thần tối cao của Ấn Độ giáo được gọi là Tam vị nhất thể. Phần trên là khối hình trụ tròn tượng trưng cho thần Siva – thần huỷ diệt, phần giữa là khối bát giác tượng trưng cho thần Visnu – thần bảo tồn, phần cuối cùng là khối vuông tượng trưng cho thần Brahma – thần sáng tạo. Đây là một trong những loại hình Linga khá phổ biến ở Chăm.
Trong nghi lễ của người Chăm ở các khu đền tháp bao giờ cũng có lễ tắm tượng. Nghi lễ tắm tượng là một nghi lễ linh thiêng, chỉ có một số người trong ban lễ được lựa chọn thực hiện bên trong tháp. Trong nghi lễ này, người ta rẩy nước thánh lên bệ thờ Linga – Yoni. Đặt một cái chậu ở phía dưới vòi Yoni để hứng nước thánh và lấy nước đó vuốt lên đầu, lên mặt của mình.
Kết thúc nghi thức tắm tượng, chậu nước thánh được đưa ra trước cửa tháp. Những người bên ngoài lấy nước thánh bôi vuốt lên đầu, mặt và thân thể mình, đồng thời mang về cho người thân để cầu mong sức khỏe tài lộc, may mắn và nhất là việc sinh nở, duy trì nòi giống được như ý.
Bên cạnh hình tượng Linga phổ biến, còn có Linga thể hiện loại hình có mặt người trên đỉnh, được gọi là Mukha-Linga. Trong điêu khắc Chămpa chỉ mới thấy một trường hợp, đó là Mukha-Linga ở trong lòng tháp chính Po klaun Garai và đó cũng có thể là hình tượng muốn biểu thị vua Po klaun Garai. Đối với trường hợp này, cho thấy sự biểu thị có hàm ý muốn nhấn mạnh sự kết hợp giữa vương quyền và thần quyền một cách chặt chẽ.
Linga và Yoni ở Chămpa có những đặc điểm riêng của nó và không ở đâu Linga -Yoni lại có số lượng nhiều, hình dáng đa dạng và kích thước lớn như ở Champa. Loại hình Linga, Yoni ở Chămpa có thể được coi là một trong những biểu hiện về sự ảnh hưởng sâu đậm văn hóa, tôn giáo của Ấn Độ mà Chămpa lại là biểu hiện mạnh mẽ nhất về Chămpa hóa những yếu tố văn hóa, tôn giáo tiếp thu được của Ấn Độ giáo.
Tài liệu tham khảo:
- Sở Thông tin và Truyền thông Bình Định, Giới thiệu về chức năng tôn giáo và tượng thờ Linga – Yoni <https://rd.zapps.vn/detail/671566109698797487?zl3rd=815789662550058820&id=b23cf9484a0da353fa1c>
- Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, Linga – Yoni. <https://chammuseum.vn/QLHVXemhienvat.aspx?IDHV=4&TEN=Linga%20-%20Yoni#pid=1>
- Cục Di sản Văn hóa, Linga – Yoni gỗ Nhơn Thành. <http://dsvh.gov.vn/linga-yoni-go-nhon-thanh-3188>
- Bảo tàng lịch sử quốc gia, Tín ngưỡng thờ Linga và Yoni của người Champa. <https://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3101/15323/tin-nguong-tho-linga-va-yoni-cua-nguoi-champa.html>