Để chương trình hoạt động trải nghiệm và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được triển khai hiểu qua, cần đáp ứng đủ 4 vấn đề sau:
Thứ nhất, Cần không gian phù hợp với hoạt động giáo dục trải nghiệm:
“Chương trình phần nhiều được tổ chức ngoài trời, nên phụ thuộc vào thời tiết, thiếu phương án dự phòng, ứng phó với thời tiết” (bà Nguyễn Hồng Chi, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội).
“Môi trường [nội] lớp học chưa phù hợp. Giáo viên thiếu không gian và tài liệu giảng dạy [cho việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm]” (Một giáo viên ở Đà Nẵng tham gia khảo sát trong dự án nghiên cứu “Học thông qua chơi” của Tổ chức Tổ chức Hợp tác Phát triển và Hỗ trợ kỹ thuật vùng Fla-măng, vương quốc Bỉ).
Sự hạn chế diện tích không gian trong việc ứng dụng phương pháp trò chơi hóa vào việc tìm hiểu văn hóa (Nguồn ảnh: Trang thông tin của Không gian văn hóa Quốc Tử Giám)
Dễ thấy, để tổ chức được chương trình hoạt động trải nghiệm và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cần không gian phù hợp với hoạt động giáo dục trải nghiệm phù hợp, đặc biệt là các tiêu chuẩn không gian cho đa dạng quy mô tham gia (30 học sinh/lớp, 300 học sinh/khối lớp, 3000 học sinh/trường, 100 học sinh/Câu lạc bộ), đa dạng nhu cầu thời gian trải nghiệm (thời gian ngắn: 01 buổi, thời gian dài: 02 ngày 01 đêm, thời gian định kỳ: cố định theo tháng, theo học kỳ), đa dạng kiểu loại hoạt động (hoạt động trong phòng hội thảo, hoạt động cần tương tác kỹ thuật số, hoạt động trải nghiệm thân thể tại xưởng thủ công, hoạt động vận động thể chất và đội nhóm tại các sân chơi rộng, hoạt động tương tác với thiên nhiên, hoạt động tiếp xúc trực tiếp với các di sản văn hóa vật thể lẫn phi vật thể,…).
Thứ hai, Tăng cường tính đa dạng của các hoạt động giáo dục trải nghiệm đặc biệt là việc đa dạng các chương trình phục vụ đa dạng đối tượng học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 với đa dạng các phẩm chất năng lực cần đạt.
Đa số các trưng bày [di sản văn hóa] thời kỳ trước thiên về mục đích tuyên truyền thuần tuý, đơn giản, nên thường khô cứng và kém hấp dẫn, thường thiếu những chương trình giáo dục riêng phù hợp với từng đối tượng, nhất là học sinh. Không những thế, do đơn giản coi trưng bày là hoạt động trung tâm, nên sau khi cắt băng khai mạc, thì việc trưng bày đều được coi như đã hoàn thành, mà không thấy phải có các hoạt động đa dạng để lôi cuốn đa dạng khách đến tham quan kể từ khi khai mạc cho đến lúc kết thúc cuộc trưng bày. Đó là các hoạt động trình diễn, biểu diễn, hội thảo, toạ đàm, chiếu phim và nhiều loại hoạt động khác nhau của chương trình giáo dục (PGS.TS. Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam)
Các chuyến tham quan di tích, bảo tàng của học sinh chủ yếu mang tính hình thức “cưỡi ngựa xem hoa”, chưa định hình ý thức học tập rõ ràng. Học sinh rất ít khi được các thầy cô giáo gợi mở việc tìm hiểu, ghi chép nghiên cứu, viết bài thu hoạch sau mỗi chuyến đi (Ths. Đỗ Hữu Bảng, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh)
Thứ ba, tăng cường tính hấp dẫn đối với các hoạt động trải nghiệm đặc biệt là việc chú trọng vào trải nghiệm của người học thông qua việc áp dụng các phương pháp dạy học hiện đại.
“Các đơn vị, doanh nghiệp tham gia hoạt động tổ chức chương trình học tập trải nghiệm cho học sinh chưa nhiều, chất lượng chưa đồng đều, nội dung học tập trải nghiệm chưa thật sự đặc sắc và đổi mới” (Phùng Thị Hoa Lê, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ)
[Nhận xét về Văn miếu Quốc tử giám trong việc tiếp đón học sinh đến trải nghiệm] “Trước khi đến, du khách cần được cung cấp thông tin về địa điểm, hoạt động hấp dẫn; trong chuyến tham quan sẽ lưu lại những giá trị gì để có thể muốn quay lại những lần sau… Ví dụ nếu mỗi tấm bia trong số 82 bia đá đều có thể ‘kể chuyện’ về các tiến sĩ cùng quá trình phấn đấu và cống hiến của họ thì sẽ hấp dẫn du khách hơn, thay vì hiện nay viết bằng chữ Nho rất nhiều người không thể hiểu được… [phải] đưa di tích đến du khách, chứ không chờ đợi du khách đến với di tích”. (Trương Quốc Toàn, Cơ quan hỗ trợ hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam)
Thứ tư, Sự phối hợp giữa các bên liên quan, đặc biệt là vai trò quản lý giáo dục và tổ chức du lịch (do vốn di sản văn hóa của Việt Nam rất đa dạng và có chiều sâu, vấn đề nằm ở việc phối hợp để khai thác tốt).
“Muốn chuyên nghiệp hóa hoạt động du lịch dành cho học đường, cần có sự phối hợp giữa các ngành Giáo dục và Du lịch để có chiến lược phát triển bài bản với những sản phẩm du lịch giáo dục chuyên nghiệp, có chiều sâu” (Phùng Quang Thắng, giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist)
Tài liệu tham khảo:
- Cổng thông tin của Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội. Phát triển giáo dục di sản thành sản phẩm du lịch học đường.<https://www.hoangthanhthanglong.vn/blog/phat-trien-giao-duc-di-san-thanh-san-pham-du-lich-hoc-duong/7913> [Ngày truy cập: 5/1/2022]
- Báo Bắc Ninh, 2021. Đổi mới, đa dạng hoạt động giáo dục di sản văn hóa. http://baobacninh.com.vn/web/bbn/chi-tiet-van-hoa/-/details/20182/-oi-moi-a-dang-hoat-ong-giao-duc-di-san-van-hoa [Ngày truy cập: 6/1/2022]
- Báo cáo dự án trên tại: https://vietnam.vvob.org/sites/vietnam/files/vvob_bao_cao_nghien_cuu_ve_hoc_thong_qua_choi.pdf
- Theo Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Phú Thọ