Meru là một biểu tượng có nguồn gốc trong văn hóa Hindu, sau đó ảnh hưởng đến Phật giáo Ấn Độ. Hình ảnh núi Meru, theo hai tôn giáo này mà truyền nhập khắp thế giới Đông Á. Meru còn được gọi là Sumeru là trung tâm của thế giới đa tầng (mandala), hình tượng này vốn vay mượn từ hình ảnh núi Meru của Brahman giáo.
Trong Brahman giáo, Meru là một dãy núi thần thoại có nhiều đỉnh. Thần Vishnu tối cao ngự trên đỉnh núi cao nhất. Các vị thần khác, tùy theo mức độ đẳng cấp, ngự ở những đỉnh núi cao thấp khác nhau trong dãy Meru.

Trong thần thoại Hindu, Meru là một ngọn núi vàng đứng ở trung tâm của vũ trụ và là trục thế giới. Đây là nơi cư ngụ của các vị thần, chân núi là dãy Himalaya. Núi Meru được cho là tồn tại ở trung tâm vũ trụ trong vùng nước của sự sống, được bao quanh bởi bảy vùng biển đồng tâm, mỗi vùng biển có kích thước nhỏ dần từ trung tâm. Jambudvipa, có nghĩa là hòn đảo của những cây Jambu (quả táo), nằm ở một trong những đại dương đó.

Núi Meru cao đến mức chạm tới thiên đường và ngôi sao cực (dhruva) chiếu sáng ngay phía trên nó. Dòng sông thiên thể Hằng (đại diện cho cả năng lượng sống và ý thức tối cao) đổ xuống núi Meru và chảy theo bốn hướng khác nhau. Cùng với đó, có nhiều câu chuyện gắn liền với ngọn núi.
Trong Puranas của người Hindu, Meru được mô tả như một vị thần. Anh ta là bạn của thần gió Vayu, vì cả hai đều nằm ở trung địa (Antariksha). Có một câu chuyện cho rằng do xung đột giữa Vayu và Meru, một phần của ngọn núi đã bị Vayu thổi bay và rơi xuống biển tạo thành hòn đảo nhỏ phía nam Bharatavarsha, ngày nay được gọi là Sri Lanka.
Theo Devi-bhagavatam, ở phía đông của Meru có thành phố Indra, tên là Devadhanicka, nơi các vị thần cư trú; ở phía nam là thần của Yama, chúa tể của Thần chết, tên là Samyamani; phía tây là thành phố Varuna vĩ đại, tên là Nimnochani, nơi mặt trời lặn; và ở phía bắc là thành phố của Mặt Trăng, tên là Vibhavari.
Mặt trời quay quanh Meru và khiến các thế giới và chúng sinh vẫn hoạt động. Mỗi ngày anh ta đi vài nghìn yojana[1] với tốc độ 14.200.000 yojana mỗi giây (muhurt). Những người sống trên núi luôn nhìn thấy mặt trời ở trung tâm. Những người sống trên trái đất nhìn thấy mặt trời mọc ở phía đông và lặn ở phía tây, nhưng những người sống trên núi luôn nhìn thấy mặt trời và biết rằng nó không bao giờ nghỉ. Meru, mặt trời tạo ra ảo ảnh về thời gian và trở thành hiện thân của thời gian.
Trong Brahman giáo, núi Meru được hiện thực hóa bằng các kiến trúc theo mô hình đỉnh núi nhọn, gọi là “sikhara” (đền- núi), cũng như vậy trong Phật giáo gọi là “Stupa” (tháp). Về mặt kiến trúc, sikhara có 5 đỉnh (một đỉnh cao ở giữa và 4 đỉnh nhỏ, thấp vây xung quanh) thể hiện tư tưởng ngũ hướng trong thế giới quan của Brahman giáo. Kiểu kiến trúc này đã có những ảnh hưởng rõ rệt đến kiến trúc kalan Champa.
Đó là một tổng thể bao gồm một ngôi đền chính, tiếng Chăm gọi là Kalan, kết hợp với những đền thờ nhỏ, những công trình phụ và những bờ tường thấp bao quanh. Kalan tượng trưng cho ngọn núi thần thoại Meru – trục của vũ trụ, trung tâm hoàn vũ; bao quanh núi Meru là các thiên thể và những đại dương được tượng trưng bằng những ngôi đền nhỏ và những bờ tường thấp.
Núi Meru là một trong những minh chứng cho sự ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ đến văn hóa Chăm, đặc biệt để lại dấu ấn trong tháp Chăm ngày nay.
[1] Đơn vị đo chiều dài của Ấn Độ cổ đại
Tài liệu tham khảo:
- Chăm.vn, Những đặc điểm chung của một tháp Chăm. < http://cham.vn/chi-tiet/nhung-dac-diem-chung-cua-mot-thap-cham-143.html>
- Britannica, Núi Meru. <https://www.britannica.com/topic/Mount-Meru-mythology>
- Hinduwebsite, What is Mount Meru? <https://www.hinduwebsite.com/hinduism/concepts/meru.asp>
- Tham khảo hình ảnh: Trần Trọng Dương, Biểu tượng núi vũ trụ Meru – Tu di trong văn hóa Việt Nam và Đông Á. < http://trantrongduong.blogspot.com/2012/11/bieu-tuong-nui-vu-tru-meru-tu-di-trong.html>