Trong thời đại toàn cầu hóa, bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đứng trước nhiều thách thức của các công nghệ mới, hiện đại & biến đổi kinh tế – xã hội, thiên tai, dịch bệnh,…Để bảo vệ, gìn giữ và phát triển văn hóa Việt Nam trước yêu cầu thời kỳ mới, Đảng và Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm đặc biệt và triển khai nhiều chính sách nhằm tôn vinh và phát huy giá trị của văn hóa trong Việt Nam.

Quan điểm của Đảng và Chính phủ xác định VĂN HÓA là nền tảng tinh thần của xã hội, một trong những lĩnh vực quan trọng, song hành cùng các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội đóng góp tích cực vào sự phát triển toàn diện của đất nước. Văn hóa là sức mạnh nội sinh của dân tộc, xây dựng con người (toàn diện) và phát triển văn hóa có mối quan hệ biện chứng với nhau.
Dựa trên Nghị quyết số 33-NQ/TW(9/6/2014) Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Ngay trong Quyết định 1909/QĐ-TTg (Ngày 12/11/2021) Về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, Đảng đã nhấn mạnh ‘Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội’, vì vậy ‘Văn hóa phải đặt ngang hàng và phát triển hài hòa với kinh tế, chính trị, xã hội’. Quyết định này cộng hưởng với Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943.
Cũng trong Quyết định 1909/QĐ-TTg (Ngày 12/11/2021) của Thủ tướng Chính phủ chúng ta thấy rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước đối với văn hóa. Văn hóa có một vai trò quan trọng có thể ‘trở thành sức mạnh nội sinh, động lực khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc; nhân tố thúc đẩy phát triển con người Việt Nam trở thành trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển’.
Đảng đã đưa ra nhiều chính sách và quy định nhằm bảo vệ và phát triển văn hóa Việt Nam. Trong đó, phải kể đến nhiệm vụ số một mà Nghị quyết 33-NQ/TW đặt ra là ‘Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện’, cụ thể là ‘Chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, mọi người Việt nam đểu hiểu biết mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc’.
Tháng 6/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 76 KL-TW về tiếp tục thực hiện Nghị Quyết số 33/NQ-TW có nêu rõ: “Xác định rõ xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Quan điểm, chủ trương của Đảng về nguồn lực cho phát triển văn hóa: nhân tố quan trọng nhất của nguồn lực văn hóa chính là con người – chủ thể sáng tạo, truyền bá, hưởng thụ văn hóa; và các nguồn lực khác.
Với nguồn lực con người, Đảng luôn bảo đảm tự do, dân chủ cho mọi hoạt động sáng tạo văn hóa, nghệ thuật của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, trọng dụng các tài năng văn hóa, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của văn nghệ sĩ; đồng thời, phát huy trách nhiệm công dân của văn nghệ sĩ, trí thức. (1)
Đảng cũng chú trọng xây dựng, kiện toàn đội ngũ lãnh đạo, quản lý văn hóa. Một là, “Xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa. Coi trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa, cán bộ làm công tác khoa học, chuyên gia đầu ngành, cán bộ ở cơ sở”(2). Hai là, “Nâng cao trình độ lãnh đạo văn hóa, văn nghệ của cán bộ quản lý các cấp cho phù hợp với tính đặc thù và yêu cầu phát triển của văn hóa, văn nghệ”(3). Ba là, “phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tham mưu trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, nhất là cán bộ chủ chốt thực sự am hiểu về văn hóa, có phẩm chất, bản lĩnh, năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ”(4).
Đối với nhân dân, người chủ đích thực của văn hóa, Đảng chủ trương “Tạo điều kiện để nhân dân ngày càng nâng cao trình độ thẩm mỹ và thưởng thức nghệ thuật, trở thành những chủ thể sáng tạo văn hóa, đồng thời hưởng thụ ngày càng nhiều thành quả văn hóa”(5). Từ đó, Đảng chỉ đạo rà soát, củng cố, kiện toàn hệ thống các trường đào tạo văn hóa, văn nghệ, đổi mới và hiện đại hóa quy trình, nội dung, phương thức đào tạo. Tăng thêm điều kiện và phương tiện kỹ thuật giảng dạy, học tập. Tổ chức tốt đào tạo sau đại học; điều chỉnh chế độ tiền lương, trợ cấp đối với những người hoạt động trong các bộ môn nghệ thuật đặc thù.
Đối với các nguồn lực khác, Đảng chủ trương thực hiện “Nhà nước và nhân dân cùng làm văn hóa”, khuyến khích các hình thức bảo trợ văn hóa, đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động các nguồn đầu tư, tài trợ, hiến tặng cho phát triển văn hóa, xây dựng con người.
Trước tiên, Đảng xác định phải tăng cường mức đầu tư cho văn hóa từ nguồn chi thường xuyên và nguồn chi phát triển trong ngân sách nhà nước. “Mức đầu tư của Nhà nước cho văn hóa phải tương ứng với mức tăng trưởng kinh tế”(6). Khuyến khích các địa phương tăng thêm nguồn lực đầu tư cho văn hóa. Mọi đầu tư từ phía Nhà nước đều phải công khai, minh bạch và đạt hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và một số loại hình nghệ thuật truyền thống cần bảo tồn, phát huy.
Bên cạnh đó, Đảng chủ trương tích cực huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước cho phát triển văn hóa. Chi tiêu ngân sách cho văn hóa thường gặp tính giới hạn và phải tuân thủ quy định ngặt nghèo, muốn tạo ra đột phá phải bắt đầu từ thay đổi nhận thức, từ quan niệm đầu tư cho văn hóa chính là đầu tư cho phát triển, không chỉ tạo lập nền tảng tinh thần, đạo đức, tư tưởng cho phát triển bền vững, mà còn góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. (7)
Trong xu thế toàn cầu hóa, tăng cường giao lưu và hội nhập quốc tế về văn hóa, Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương, đường lối, chính sách, tận dụng mọi nguồn lực thúc đẩy văn hóa phát triển. Đồng thời, chủ động nâng cao sức “đề kháng” của các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh, thiếu niên đối với các sản phẩm độc hại, lai căng; tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch./.
——–
Tài liệu tham khảo:
- PGS.TS Nguyễn Duy Bắc, Đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách và huy động nguồn lực cho phát triển văn hóa, Tạp chí Cộng sản [Link truy cập: https://www.tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/duong-loi-chu-truong-cua-dang-nha-nuoc-ve-xay-dung-hoan-thien-the-che-chinh- sach-va-huy-dong-nguon-luc-cho-phat-trien-van-hoa]
- Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 132
- Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Sđd, tr. 130
- Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 146 – 147
- Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 114
- Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 132
- Thu Phương, Khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển văn hóa, Cổng thông tin điện tử Quốc Hội [Link truy cập: https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=71684 ]