Việt Nam là quốc gia có văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, có tiềm năng và lợi thế trong việc khai thác văn hoá, phong cảnh thiên nhiên để phát triển kinh tế xã hội. Bảo tồn và phát triển di sản văn hóa là xử lý hài hòa giữa việc bảo tồn và phát triển, giữa giữ gìn và khai thác, mục tiêu kinh tế và mục tiêu văn hóa đồng thời bảo tồn di sản một cách bền vững.

Bảo tồn di sản văn hóa không chỉ là nhiệm vụ của Nhà nước mà còn là nhiệm vụ của toàn xã hội, trong đó không thể thiếu nguồn lực Doanh nhân, doanh nghiệp. Khi nguồn lực của Nhà nước còn hạn chế thì doanh nghiệp, doanh nhân là thành phần quan trọng trong việc xã hội hóa bảo tồn di sản.
Doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển di sản văn hoá bởi vì ngoài Nhà nước họ là những người có nhiều nguồn lực nhất để đầu tư vào các hoạt động này. Các doanh nghiệp đóng góp vào việc bảo tồn và phát triển di sản văn hóa thông qua việc tạo ra những môi trường kinh doanh thuận lợi để người dân có thể phát triển các sản phẩm văn hóa của họ tạo công ăn việc làm kéo theo các nguồn lợi kinh tế khác. Đồng thời, có những chương trình tài trợ, gây quỹ giúp những người dân địa phương ổn định kinh tế để phát triển làng nghề.
Các hoạt động xúc tiến thương mại của doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá văn hóa và đặc sản của một vùng miền. Dịch vụ tour trải nghiệm di tích văn hóa, dịch vụ tour trải nghiệm ẩm thực dân tộc, hội chợ đồ gốm, hội chợ nông sản… giúp khách du lịch có cơ hội trải nghiệm và hiểu hơn về văn hóa của địa phương. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thể sử dụng những sản phẩm đặc trưng của địa phương để phát triển thương mại, tạo lợi nhuận cho doanh nghiệp và thu nhập cho người dân, góp phần ổn định cuộc sống cho người dân và phát triển du lịch của địa phương.
Những chương trình kêu gọi tài trợ, gây quỹ như tổ chức các giải thể thao gây quỹ, các chương trình ca nhạc gây quỹ,…là những hoạt động xã hội được các doanh nghiệp quan tâm và thực hiện để góp phần hỗ trợ cho các hoạt động bảo tồn và phát triển di sản văn hóa. Thông qua các hoạt động thể thao như giải golf, giải điền kinh,… không chỉ là một hoạt động giải trí mà còn mang lại giá trị xã hội khi lan tỏa những thông tin văn hóa đến với mọi người, quyên góp tiền cho các hoạt động xã hội, xây dựng nhà tình nghĩa cho đồng bào các dân tộc nghèo. Việc xây dựng quỹ hỗ trợ cho đồng bào phục hồi và phát triển nghề truyền thống của địa phương giúp cho đồng bào có thêm thu nhập ổn định, có thể cùng sống dựa trên tài nguyên di sản và cùng bảo tồn di sản văn hóa.
Thông qua những hoạt động xúc tiến thương mại của doanh nghiệp, hoạt động xã hội đa dạng đã giúp phát huy những di sản văn hóa địa phương, mang văn hóa địa phương đến gần hơn với nền văn hóa khác, gần hơn với bạn bè trong nước và quốc tế; giúp người dân địa phương ổn định kinh tế, mở ra các mô hình đào tạo nghề truyền thống cho người dân bản địa. Qua đây, hỗ trợ và phát triển nghề truyền thống của địa phương, giữ gìn giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Mối quan hệ giữa Doanh nghiệp với bảo tồn & gìn giữ di sản văn hóa là mối quan hệ “Win – Win”: Di sản có giá trị được khai thác đúng mức sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp, góp phần phát triển các ngành kinh tế có liên quan, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Ngược lại, doanh nhân, doanh nghiệp được hưởng lợi từ di sản cần có trách nhiệm, kế hoạch đầu tư trở lại việc bảo tồn và xem đây là một phần trong chiến lược phát triển doanh nghiệp, tự giác trích lợi nhuận thu được từ khai thác di sản để đóng góp, thúc đẩy hơn nữa công tác bảo tồn và giữ gìn di sản.
Vậy nên, khi mô hình kinh tế khai thác giá trị di sản văn hóa được nhiều người đón nhận, mang lại lợi ích kinh tế lớn. Các doanh nghiệp sẽ đầu tư nhiều hơn vào việc nghiên cứu và bảo tồn văn hóa để tạo ra các sản phẩm văn hóa mới mẻ dựa trên nguồn tài nguyên di sản, nâng cao chất lượng dịch vụ. Đồng thời, có thêm nguồn kinh phí, tài trợ để các nhà nghiên cứu, nhà khoa học tiến hành nghiên cứu và đánh giá tình hình bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc, từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể để bảo vệ và phát triển văn hóa dân tộc. Thúc đẩy sự phát triển của các ngành khoa học liên quan đến văn hóa, như ngôn ngữ học, dân tộc học, văn hóa học, nghệ thuật và kiến trúc,… và các biện pháp giáo dục để nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc.
Việc đầu tư vào di sản văn hóa không chỉ là về lợi nhuận. Đó còn là trách nhiệm của các doanh nghiệp đối với cộng đồng và quốc gia. Bảo tồn và phát triển di sản văn hóa sẽ tạo ra một cộng đồng văn hóa phong phú và đa dạng, đồng thời giúp cho quốc gia giữ vững và phát triển danh tiếng của mình trên trường quốc tế.